TÊN GỌI CỦA NHỮNG GIẤC MƠ

… Lớp học những ngày cuối năm được trang trí rực rỡ, lấp lánh sắc màu. Cả lớp đang chú ý vào bài Tập đọc: Ba điều ước. Tôi đọc mẫu một lượt rồi gọi các em đọc câu. Sau khi lớp tiến hành đọc từng đoạn, tôi mời các em nêu từ khó hiểu, khó đọc. Tiến Bách hứng khởi dùng bút chì chỉ vào từng chỗ để đếm, dõng dạc phát biểu:

– Thưa cô, em có năm gạch đầu dòng ạ!

Tôi ngạc nhiên đến thú vị, mời Tiến Bách trình bày và khen em.  Cả lớp tập trung vào bài giảng, tiếng giấy sột soạt và những cánh tay đầy hứng khởi giơ lên.

– Cô muốn nhiều hơn những cánh tay. Viên Phúc biết không, cô rất thích hình ảnh em phát biểu!

Những từ ngữ khó được các bạn phát hiện, cô ghi lên bảng. Sau đó, cô và các bạn cùng giải nghĩa từng từ, luyện đọc từng từ. Mạnh Cường nói được ý hiểu của mình rồi, tôi gợi ý em dùng từ phù hợp để diễn tả. Cả lớp đều mong muốn mình được cô gọi tên, cảm giác mỗi bạn đều là những nhà khoa học nhí. Tôi gọi một em còn ngập ngừng cánh tay. Em đọc được, vui và mạnh dạn hẳn. Các em háo hức đọc theo nhóm và mong được đọc diễn cảm ở phần sau.

Tôi đặt câu hỏi mở đầu về ba điều ước của chàng thợ rèn, có rất nhiều cánh tay giơ lên. Có bạn kể mãi về một điều ước. Tôi lại nhấn mạnh, chúng mình chỉ nêu tên các điều ước. Các bạn ấy đã ngay lập tức nêu được lần lượt thứ nhất, thứ hai, thứ ba là gì. Những bạn muốn mà không thể hiện được ý hiểu, tôi gợi ý dùng những từ quan trọng, từ khóa ở phần luyện đọc mà em đã tìm được để diễn tả. Sau khi rõ được lí do ba điều ước không mang lại hạnh phúc cho chàng, tôi nhìn các em và hỏi:

– Vậy, chàng hiểu điều gì mới đáng mơ ước?

– Thưa cô, Rít đã hiểu: Sống có ích mới là điều đáng mơ ước ạ! – Tuệ Anh tự tin.

Tôi mỉm cười khen em rồi đặt câu hỏi:

– Nếu có ba điều ước, em sẽ ước những gì?

Có bạn suy nghĩ một lúc, có bạn giơ tay ngay.

– Thưa cô, điều ước thứ nhất của em là được trường sinh bất tử, thứ hai là luôn may mắn, thứ ba là muốn làm gì cũng được ạ!

Tôi phân tích điều ước của em:

– Cô rất chia sẻ với em. Điều ước thứ nhất là câu hỏi của loài người đã bao nhiêu năm nay. Điều thứ hai, ai cũng mong mình may mắn nhưng không thể ngồi chờ được may mắn. Nếu em làm nhiều việc tốt, em sẽ thấy mình luôn được dễ chịu trong lòng. Đó mới là phép màu. Điều ước thứ ba, thay vì muốn làm gì cũng được, em hãy làm những việc có ích!

– Thưa cô, em có ý kiến! – Một bạn ngập ngừng – Như vậy chính là sống có ích phải không ạ?

Tôi gật đầu nhìn em, trong lòng thanh thản.

– Thưa cô, em ước em trở thành họa sĩ!

Lời phát biểu của Thành Nam khiến tôi ngừng lại. Thành Nam đã tập trung hơn trong lớp, em vừa nói được suy nghĩ của mình một cách nghiêm túc.

– Thành Nam, em có yêu thích hội họa không?

– Có ạ! – Thành Nam đáp, đôi mắt của em thật sáng.

Tôi chợt nhớ có lần Nam được khen về môn mĩ thuật. Tôi nhớ ra cả bức tranh vẽ cô giáo nhân ngày 20 tháng 11 của Thục Lam cũng rất đẹp. Tôi khen hai bạn và nói:

– Chúng mình thấy không, ai cũng có giấc mơ, ai cũng có khả năng riêng, ai cũng thật đặc biệt. Cô rất mừng vì hôm nay thấy được sự đam mê của Thành Nam. Điều ước, đam mê giống như ngọn lửa để chúng mình thêm quyết tâm thực hiện.

Tôi vẫn nhớ ánh mắt của Thành Nam tiết học ấy. Tôi lặng lẽ quan sát em từng ngày. Mấy ngày sau, trong một bài tập cuối học kì, em viết:

“Trong thời gian vừa qua chúng con bắt đầu học môn Tiếng Việt. Ban đầu con cảm thấy rất khó khăn vì có nhiều từ con không hiểu, phải biết Chủ Vị và các thành phần khác của câu. Nhưng dần dần con hiểu bài và có thể làm bài tập Tiếng Việt nhiều hơn.

Đến giờ này con cảm thấy môn Tiếng Việt rất hay. Con sẽ luôn cố gắng để học thật tốt môn Tiếng Việt”.

 

Cô giáo Nguyễn Quỳnh Phương – Tổ Tiếng Việt