Thư viện tài liệu

Giới thiệu sách nghiệp vụ sư phạm

Nghị quyết đại hội XI của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nhằm đưa giáo dục Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, theo một nguyên lý mới. Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa ra quan điểm: “Cần có một nền Giáo dục mới. Một nền giáo dục buộc phải mới tận nguyên lý của nó. Một nền giáo dục tất yếu phải trở thành sự cứu nguy cho dân tộc, nơi trẻ em là những anh hùng thời đại.

Và một nền giáo dục không bị thần bí hóa bằng lời hô hào “sáng tạo” suông. Mà là một nền giáo dục công nghệ hóa, có thể triển khai theo cái mẫu được các nhà khoa học tạo ra bằng thực nghiệm”.
Quan điểm đó hiện thân trong bộ sách lí luận về tâm lí học giáo dục, gồm 10 cuốn:
1- Bài học là gì
2- Công nghệ học – tập một
3- Công nghệ giáo dục – tập một (Định hướng lý thuyết)
4- Công nghệ giáo dục – tập hai (Kỹ thuật cơ bản)
5- Kính gửi các bậc cha mẹ
6- Tâm lí học dạy học
7- Giải pháp giáo dục
8- Nghiệp vụ sư phạm
9- Giáo dục tiểu học đầu thế kỉ XXI
10- Cái và cách

Bộ sách chỉ rõ Hướng đi (định hướng lý thuyết trên cơ sở triết học, tâm lí học và giáo dục học) và Cách làm triển khai trên hiện trường thực tế từng tiết học. Quan điểm chủ đạo của phương pháp Công nghệ giáo dục là dạy học sinh bằng VIỆC LÀM, huấn luyện kĩ năng thành thạo, hình thành nhân cách độc lập, tự tin. Học theo Công nghệ giáo dục / Công nghệ HỌC, học sinh tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Bộ sách là tài liệu bổ ích, giúp các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện thành công công cuộc Đổi mới phương pháp dạy học, hướng tới Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đang đặt ra.

1. BÀI HỌC LÀ GÌ?
Bài học là quá trình thầy tổ chức cho trò hoạt động, để lĩnh hội một khái niệm và kỹ năng – kỹ xảo tương ứng với nó, trong một khoảng thời gian xác định, ở một trình độ phát triển nhất định. Quy trình hình thành khái niệm cho học sinh lấy hành động làm cơ sở. Quy trình kỹ thuật để hình thành khái niệm gọi là công nghệ giáo dục.

2. CÔNG NGHỆ HỌC – Tập một
Công nghệ HỌC là quy trình kỹ thuật cho VIỆC HỌC của học sinh.

3. CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC – Tập 1 (Định hướng lý thuyết)
Công nghệ giáo dục, Tập 1 có 3 phần:
1. Quy trình công nghệ giáo dục: là một cơ cấu các việc làm, được sắp xếp tuyến tính theo thời gian;
2. Các nhân vật tham gia công nghệ giáo dục: Số 1 là học sinh, số 2 là thầy giáo, số 3 là phụ huynh học sinh và các cơ quan đoàn thể, các nhà quản lý giáo dục các cấp;
3. Thiết kế – Thi công quy trình công nghệ giáo dục.

4. CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC – Tập 2 (Kỹ thuật cơ bản)
Quyển Công nghệ giáo dục tập hai – Kỹ thuật cơ bản, đi sâu vào các giải pháp thực tiễn để thực thi Công nghệ giáo dục. Quá trình đổi mới giáo dục cần có giải pháp mới, ngang tầm với trình độ phát triển khoa học và công nghệ hiện đại.

5. KÍNH GỬI CÁC BẬC CHA MẸ
Giáo dục bằng việc làm, đó là bí quyết của nền giáo dục hiện đại. Các bậc cha mẹ muốn con mình có đạo đức thì phải tổ chức cho bé làm những việc có đạo đức. Muốn cho bé có trí khôn thì phải tổ chức cho bé làm những việc tạo ra trí khôn. Toàn bộ đời sống tinh thần của bé đều phải được người lớn thiết kế thành việc làm, bé phải tự làm mọi việc để có được sản phẩm giáo dục mong muốn.

6. TÂM LÝ HỌC DẠY HỌC
Điểm cơ bản của tâm lý học giáo dục là quá trình chuyển vào trong, được diễn đạt bằng công thức A → a. Trong đó A là hệ thống các khoa học. Mũi tên → là quy trình công nghệ mà học sinh thực hiện. Còn a là sản phẩm giáo dục mà nhà trường trả lại cho xã hội theo đơn đặt hàng của xã hội, là năng lực, là đạo đức, là nhân cách của học sinh, do chính học sinh tự tạo ra trong quá trình thực hiện quy trình công nghệ.

7. GIẢI PHÁP GIÁO DỤC
Giải pháp giáo dục được thâu tóm thành Đề cương 9 điểm: đi 3 bước, làm 3 việc, phân công cho 3 nhân vật, cụ thể là: 3 Bước: Trung ương – địa phương – đại trà; 3 việc: Nghiên cứu – đào tạo – chỉ đạo; 3 nhân vật: Học sinh – Thầy giáo – Cha mẹ và các nhân vật thứ 3 khác. Học sinh là nhân vật trung tâm, mọi bước đi, mọi việc làm và các nhân vật khác tham gia vào giáo dục đều vì nhân vật số 1 là học sinh.

8. NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM
Nói đến nghiệp vụ là nói đến phương pháp hay cách làm để tạo ra sản phẩm trong một lĩnh vực cụ thể. Nghiệp vụ sư phạm là phương pháp của nhà giáo giúp cho mỗi học sinh tự tạo ra cho mình tri thức khoa học, nghệ thuật, lối sống, cung cách ứng xử cuộc đời. Hiệu quả cuối cùng của nghiệp vụ sư phạm thể hiện ở kết quả học tập của học sinh.

9. GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐẦU THẾ KỈ XXI
Tri thức khoa học làm nền cho cả đời người bắt đầu từ lớp Một, lớp đầu tiên của bậc tiểu học. Học lớp Một như xưa nay, bé vào lớp là học chữ. Song điều quan trọng là cách làm – cách học, cách dạy. Học bằng Công nghệ HỌC / Công nghệ giáo dục, học sinh không chỉ biết chữ, mà còn học cách học, cách làm việc trí óc. Hình thành nhân cách độc lập, tự tin, trung thực.

10. CÁI VÀ CÁCH
“Cái” và “Cách” là hai khái niệm về toàn bộ những thành tựu vật chất và tinh thần của nền văn minh nhân loại. Hai khái niệm này bao trùm mọi lĩnh vực của cuộc
sống. Trong sách này tác giả chủ yếu xét “Cái” và “Cách” trong giáo dục, quy về các môn học – cái mà nhà trường muốn mang lại cho học sinh (tri thức khoa học,
đạo đức, lối sống). “Cách” là Phương pháp giáo dục – bằng cách nào đề học sinh lĩnh hội được tri thức, đạo đức và lối sống, đáp ứng nhu cầu của đời sống hiện đại, để sống hạnh phúc.