Tôi đã xin được ngồi nghe “ké” những buổi giảng của GS. Hồ Ngọc Đại cho các giáo viên cốt cán môn Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục.Vị giáo sư có tiếng ngang nghạnh, nhiều đời Bộ trưởng phải “gờm” vì cách làm giáo dục của ông quyết liệt đến không khoan nhượng, ông nói về giáo dục luôn thẳng thắn đến “nghịch nhĩ”.
Nhưng tôi thấy ông hết sức kiên nhẫn và đôn hậu khi truyền đạt (mà ông gọi là “chuyển giao công nghệ giáo dục”) cho những thầy cô tiểu học rụt rè đến từ các xã, bản vùng xa vùng sâu. Chính những thầy cô ấy nói với tôi rằng họ vô cùng lạ lùng khi hàng năm, Thầy Đại có thể đi hết những điểm trường thâm sơn cùng cốc, ở tận đường cụt cuối cùng của đất nước – chỉ để ngồi nghe bài giảng của mỗi giáo viên.Tôi mang điều này hỏi lại ông, Giáo sư Hồ Ngọc Đại trả lời như một lẽ tự nhiên: “Tôi không tin vào các báo cáo. Mục đích giáo dục của tôi là đến thẳng trẻ em, nhờ trung gian là cô giáo. Vì thế tôi phải đến tận nơi xem và điều chỉnh, để công nghệ giáo dục đến với mọi trẻ em không bị “tam sao thất bản”. Vì tình yêu vô hạn mà nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại dành cho trẻ em, dân chúng đã thương mến gọi ông bằng một chức danh… hết đỗi xoàng xĩnh: Thầy giáo tiểu học Hồ Ngọc Đại.
• Một nền giáo dục tạo ra những con người phục tùng và làm theo.
-Nhà văn Nguyên Ngọc từng vạch ra nguyên nhân căn bản dẫn đến khủng hoảng toàn diện của nền giáo dục (GD) Việt Nam chính là ở triết lý GD. Bởi sai lầm đó mang tính căn cốt, nên mọi cố gắng cải cách hay đổi mới GD (mà không thay đổi triết lý) cuối cùng đều chỉ là những giải pháp “loay hoay”. Giáo sư có bình luận gì về quan điểm này?
GS Hồ Ngọc Đại: Tôi đồng ý với anh Nguyên Ngọc, GD hiện nay dù có đổi mới hay chấn hưng thì quanh quẩn cũng chỉ nhằm cải tiến cái hiện có, theo cách cải tiến cày chìa vôi. Dẫu bắp cày có làm bằng vàng ròng, lưỡi cày bằng titan- thì bản chất nó vẫn là cày chìa vôi. Trong khi ở thế kỷ 21 này, chỉ có máy cày mới đáp ứng được nhu cầu thực của cuộc sống. Tư duy GD cũ nghĩ ra một sản phẩm “dị dạng” về tư duy: phải hội tụ đủ tất cả các ưu điểm, nên họ “đè” học sinh ra nhồi nhét. Nền GD ấy chỉ tạo ra những con người phục tùng và làm theo. Mục đích của GD đúng là tạo ra những con người bình thường, sống bình thường trong xã hội đương thời, họ tự do và sáng taọ. Không ly kỳ, không huyễn hoặc, không lừa bịp, GD mới có nhiệm vụ tôn trọng từng bản thể, không được phép cào bằng và đồng hóa cá nhân.
-Trong thập kỷ trở lại đây, giáo dục chưa bao giờ thôi là điểm nóng trong phòng họp của quốc hội. Khi toàn xã hội và người dân mất niềm tin vào hệ thống GD, nhưng họ bất lực vì không còn lựa chọn nào khác- thì điều gì sẽ diễn ra?
GS Hồ Ngọc Đại: Đó là điều đau đớn nhất. Tôi nghĩ đây là thời kỳ quá độ, hãy cứ để GD xuống tới đáy, thì nó mới lên lại được. Trong nghành GD vẫn có những người thức tỉnh, mỗi cá nhân có tâm giống như một que diêm nhỏ. Que diêm ấy có thể tắt ngúm hoặc thành đám cháy lớn. Việc GD xuống tận đáy chính là hoàn cảnh để thành đám cháy, khi người dân hết chịu nổi họ sẽ có giải pháp của mình. Một người dân không là gì cả, nhưng toàn dân lại là tất cả. Dân của năm 2010 này rất khác, họ trưởng thành trong nền văn minh hiện đại, họ có cảm nhận của tư cách hiện đại, để dễ dàng vượt qua mọi định kiến mà tiếp nhận những cái mới.
-Vừa rồi, khi miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ GD&ĐT có đưa ra một “thông cáo báo chí” những con số ấn tượng về kết quả GD dưới thời Bộ trưởng Nhân: tiêu cực thi cử giảm, tỷ lệ tốt nghiệp PT tăng, tỷ lệ bỏ học giảm, vi phạm đạo đức nhà giáo giảm…Và gần đây nhất, Khối giao ước thi đua Vùng 7 gồm 5 TP lớn nhất nước đã công bố kết quả của niên học 2009-2010 – nó xuất sắc đến mức gây sững sờ! Nếu những con số “biết nói”, thì chúng ta nên vui mừng vì GD đã bước qua khủng hoảng?
GS Hồ Ngọc Đại: Tôi lại thấy đây là thời kỳ hỗn loạn tận đáy, thời kỳ bộc lộ rõ nhất sự vụ lợi, u mê và bất lực của GD- mọi vấn đề nhức nhối của GD đều bị bung ra hết. Những giải pháp giai đoạn vừa qua không theo bản chất GD, nó hợm hĩnh và chạy theo phong trào. Tất cả những con số ấy là vô nghĩa, thành tích giả tạo rất nguy hiểm, nó ru ngủ và làm chúng ta không còn biết mình đang đứng ở đâu.
• Từ chối làm Thứ trưởng, vì làm giáo dục tiểu học có ích hơn cho dân.
-Ông từng kêu gọi GD phải “Làm mới từ đầu”. Bất đồng quan điểm với dòng “chính thống”, vậy cốt lõi tinh thần của Công nghệ giáo dục (CGD) mang tên Hồ Ngọc Đại là gì?
GS Hồ Ngọc Đại: Năm 1978, trong một cuốn sách tôi đưa ra quan điểm “Dỡ ra làm lại từ đầu ”- sách bị thu hồi ngay. “Làm mới” sẽ thực tế hơn, và tôi chọn cách bắt đầu từ lớp 1. Bản chất của giáo dục theo cách cũ là “ngu dân”, phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức. Cách GD ấy không tôn trọng cá nhân, kìm hãm trẻ con, hứa hão về tương lai. Còn tinh thần của CGD là giải phóng trẻ em, lấy hạnh phúc và sự phát triển tự nhiên của trẻ em làm mục tiêu. Mỗi em sẽ là một người duy nhất trong xã hội, các em phải khác nhau, khác bố mẹ và thầy cô, CGD tôn trọng suy nghĩ tự do và cá tính khác biệt.
-Ông từng thẳng thừng từ chối vị trí Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Có bao giờ ông ân hận vì quyết định ấy, tôi không muốn nói đến việc luyến tiếc danh vị, mà là tiếc vị trí có quyền tác động đến thay đổi và những quyết sách của nghành GD?
GS Hồ Ngọc Đại: Tôi chưa bao giờ hối tiếc, nghĩ lại luôn mừng rằng hồi trẻ mình đã sáng suốt để có quyết định ấy. Phải tránh khỏi vòng chức vị, tôi mới đủ tỉnh táo để tìm ra giải pháp cho giáo dục và có được CGD hoàn chỉnh. Kể cả làm đến Bộ trưởng tôi cũng không thay đổi được cái guồng máy của xã hội và thể chế, mình sẽ bị nghiền nát nếu cưỡng lại nó. Nhận chức là “hai bên” gây khó cho nhau, để tôi làm giáo dục tiểu học có ích hơn cho người dân.
-Dự án Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại từng được Chính phủ cho nhân rộng đến 43 tỉnh thành, và có kết quả rất tốt. Nhưng tới năm 2001, với Nghị quyết số 40 cả nước chỉ được dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất -CGD chỉ còn trên danh nghĩa. Trong thời gian 10 năm CGD bị ngắt quãng, ông làm gì?
GS Hồ Ngọc Đại: Đến năm học 1999-2000 đã có hàng ngàn trường học trên cả nước tiếp nhận CGD. Nhưng phương án CGD bị “bóp mũi chết” một cách hợp pháp với Nghị quyết số 40. Tháng 5.2008, người ta tưởng như CGD vĩnh viễn chấm dứt khi Trường Thực Nghiệm của tôi đã bị Bộ lấy sạch: từ con dấu, sổ đỏ, tên gọi, và “thay máu” vào đó là đường hướng GD chính thống. Những người tin vào con đường của tôi họ rất đau đớn, ở các địa phương, rất nhiều giáo viên đã khóc. Còn tôi, suốt 10 năm qua vẫn tiếp tục làm việc, điều chỉnh lại sách giáo khoa và công tác đào tạo của CGD để ra một bộ sách chuẩn cho học sinh và giáo viên. Tôi luôn có niềm tin tuyệt đối rằng, sẽ có ngày CGD được tiếp tục – tôi phải chuẩn bị cho sự quay lại đó.
-GS không tự ái?
GS Hồ Ngọc Đại: Không! Tôi làm vì trách nhiệm với đất nước, vì trẻ em – tôi không mất công tự ái với lãnh đạo. Tôi không chịu trách nhiệm với cấp trên hành chính, họ đến và đi theo nhiệm kỳ- tôi ở lại cùng nhân dân.
• Giữ xã hội yên lành được bằng giáo dục – điều đó quá vĩ đại !
– Năm học 2010-2011 CGD được thí điểm ở 11 tỉnh khó khăn nhất, Hội nghị triển khai do đích thân một vị Thứ trưởng chủ trì. Không công bố nhưng ai cũng hiểu CGD đã trở lại, và được Bộ GD tiếp nhận. Lần thí điểm này mới chỉ dừng ở môn Tiếng Việt lớp 1, vậy kết quả liệu có ít ỏi và khó triệt để- thưa GS?
GS Hồ Ngọc Đại: Không sao cả, Học cái nào chắc chắn có lợi cái đấy. Tôi cũng muốn thay đổi không quá đột ngột và gây sốc, sự trở lại “nhũn nhặn” này sẽ là một ví dụ thuyết phục, qua một giọt nước người ta biết cả đại dương. 11 tỉnh thí điểm CGD là những nơi tận cùng về địa giới và cùng cực đói nghèo, ở đó cha mẹ học sinh còn không biết tiếng Kinh nữa là bọn trẻ con. Nhưng chỉ sau 1 năm tiếp cận CGD, dù là bất cứ dân tộc nào trẻ em cũng sẽ đọc thông viết thạo, vững chính tả, không bị tái mù, bởi nguyên tắc của CGD là “học gì được nấy, học đâu chắc đấy” . CGD nếu áp dụng ở các thành phố sẽ giải quyết được tệ nạn bắt học sinh mẫu giáo đi học trước khi vào lớp 1. Nhiều người nói với tôi: đau lắm, bố mẹ nào cũng phải gồng mình chạy trường điểm cho con, phải ép bọn mẫu giáo đọc thông viết thạo. Có CGD thì học ở đâu cũng tốt, ai làm cũng như ai, nơi nào cũng như nơi nào, vì cùng là một công nghệ.
-Không cho điểm, không xếp hạng, không thi lên lớp, được phép chơi theo ý thích- mô hình trường học của GS chắc đã khiến nhiều bậc phụ huynh quen với cách GD truyền thống bị hoang mang. Vậy trẻ con sẽ được học gì từ CGD?
GS Hồ Ngọc Đại: GD cũ lấy chữ làm chuẩn, nhưng chữ chỉ là một yếu tố. Trẻ con cần phải được học cả kỹ năng sống, sự chân thật tử tế, lòng yêu đất nước, tinh thần trách nhiệm và biết chia sẻ với cộng đồng. Tình yêu với Tổ Quốc rất quan trọng, mọi tình yêu đều phải dồn về tình yêu lớn là Đất nước. Đứa trẻ lớn lên phải biết xúc động trước những biến đổi và tai họa của Đất nước, trách nhiệm với từng việc mình làm, biết tôn trọng và nghĩ đến người khác.
– Ông dành đến gần nửa thế kỷ cho giáo dục tiểu học, và hạnh phúc khi được người dân gọi là “thầy giáo tiểu học”. Vì sao cấp học này lại đặc biệt quan trọng để GS dành tâm huyết đến như vậy?
GS Hồ Ngọc Đại: Một đứa bé hạnh phúc là hàng chục người quanh nó (bố mẹ, ông bà, họ hàng) hạnh phúc, nó thất bại hàng chục người kia đau khổ. Mỗi năm có 2 triệu trẻ con vào lớp 1, và cạnh nó ít nhất là 4 triệu bố mẹ. Vấn đề lớp 1 được làm tốt, ít nhất mỗi năm có 6 triệu người hạnh phúc, nếu giữ xã hội yên lành được bằng giáo dục – điều đó quá vĩ đại. Cấp học tiểu học đòi hỏi nghiệp vụ sư phạm chuẩn nhất, tinh tế nhất, bởi đây là cấp học tạo nền tảng tư duy và nhân cách theo người ta suốt đời. Tiểu học là cơ hội cuối cùng để giữ lại truyền thống gia phong, bản sắc dân tộc; đồng thời là cơ hội đầu tiên để trẻ em tiếp cận văn minh hiện đại.Tôi cho rằng Đại học và Tiểu học là 2 cấp học then chốt nhất trong đời một con người. Tiểu học là bắt đầu và tiếp tục, ĐH là bắt đầu và kết thúc. Khẩu hiệu của tôi là “Tiểu học là thuần Việt, ĐH là hội nhập”- phải có hội nhập với sức chịu đựng sòng phẳng, bằng ĐH của Việt Nam mới thoát khỏi quy mô “tiêu dùng nội địa”.
-CNGD Hồ Ngọc Đại đã trở lại, ông hẳn sẽ có một “ngôi trường trong mơ” của mình?
GS Hồ Ngọc Đại: Tôi nghỉ hưu đã được 11 năm, nhưng tôi còn sức sẽ còn làm giáo dục. Vừa rồi, tôi đến gặp Phó CT TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng để xin đất mở trường. Chị Hằng nói chị rất cảm động vì tôi vẫn còn muốn mở trường, TP sẽ ủng hộ hết lòng công việc của tôi. 2 ngày sau buổi gặp, tôi được cấp 12.000m2 đất ở Mỹ Đình để xây trường tiểu học. Trường Công Nghệ Giáo Dục sẽ mở cửa vào năm 2011, tôi chắc chắn đó sẽ là thiên đường của trẻ em. Ở ngôi trường ấy, trẻ em sẽ thấy đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!
-Xin cảm ơn GS Hồ Ngọc Đại!
Quỳnh Hương (thực hiện)
BOX:
Con đường gập ghềnh của Công nghệ Giáo dục
1968: Hồ Ngọc Đại làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, hàng ngày ông đến làm việc tại trường Thực Nghiệm số 91- là “phòng thí nghiệm” để nghiên cứu tâm lý- giáo dục, độc lập với nhà trường hiện hành. Làm thực nghiệm từ 1969-1976, ông viết hai luận văn PTS và TSKH tâm lý học.
1977: Về nước, Hồ Ngọc Đại xin mở trường Thực Nghiệm, đề nghị được Thủ Tướng Phạm Văn Đồng chấp nhận. 1978, Trường Thực Nghiệm khai giảng khóa đầu, chỉ có lớp Một với 100 học sinh.
1978:Trường Thực Nghiệm mở hội thảo “Hướng đi và Cách làm”, với sự có mặt của 50 nhà trí thức tiêu biểu nhất của đất nước. Hội thảo xác định:
-Hướng đi: Hiện đại hóa nền giáo dục.
-Cách làm: Công nghệ hóa quá trình giáo dục.
1985:Cải cách GD gặp khó khăn (năm đầu 60% học sinh lớp 1 lưu ban), Bộ trưởng GD Nguyễn Thị Bình ủy quyền cho Hồ Ngọc Đại phổ biến chủ trương của Bộ: cho phép các địa phương tiếp nhận tự nguyện CGD. Đến năm học 1999-2000 đã có 43 tỉnh thành tiếp nhận, với hàng ngàn trường, hàng vạn giáo viên và hàng chục vạn học sinh.
2001:CGD chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa bởi hệ thống GD từ sau đó chỉ được phép dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất.
2008: Bộ GD&ĐT lại cho đưa CGD, môn Tiếng Việt lớp 1 về với học sinh dân tộc thiểu số dọc biên giới Tây Bắc- Tây Nguyên- Tây Nam Bộ cho 6.000 học sinh. Năm học sau số học sinh hưởng CGD lên 15.000.
5.7.2010: Hội nghị tổng kết công tác thí điểm và triển khai môn Tiếng Việt 1- CGD năm học 2010-2011 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị này là dấu mốc “lịch sử” đặc biệt đối với GS Hồ Ngọc Đại, bởi đây gần như lời công nhận chính thức từ Bộ về việc “hồi sinh” của CGD.