BÀI HỌC HẠNH PHÚC TỪ “BA ĐIỀU ƯỚC”

Cách đây 3 năm, tôi – một cô sinh viên Văn khoa tốt nghiệp chập chững bước vào nghề. Tôi không ngừng tưởng tượng và suy nghĩ về những học trò của tôi chắc chắn sẽ là những cô cậu học sinh trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông nghịch ngợm, tâm hồn và tính cách đầy bí ẩn của tuổi mới lớn. Nhưng rồi mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi khi tôi trở thành giáo viên tiểu học – điều mà trong tiềm thức tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Đạo Phật có nói rằng mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời này đều bởi một chữ duyên và giống như một định mệnh đã sắp đặt sẵn. Tôi luôn băn khoăn tự hỏi rằng phải chăng đến với mái trường này, gặp gỡ những đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu của ngày hôm nay chính là một sự sắp xếp của định mệnh cho cuộc đời tôi? Đã có lúc, tôi lo lắng, hoang mang suy nghĩ không biết mình sẽ làm thế nào với những đưa trẻ đầy ngây thơ và trong sáng này khi mà tâm lí của lứa tuổi tiểu học tôi chưa nắm hết… Nhưng rồi bằng trái tim yêu nghề cùng sự động viên của các anh chị em đồng nghiệp và tình cảm mến thương của học trò dành cho mình, tôi đã vượt qua tất cả. Và thế là, tôi cứ say sưa, mải mê, sống hết mình với những tiết dạy cùng những trang giáo án.

Hạnh phúc biết bao khi mỗi ngày được nghe những tiếng thưa gọi đầy yêu thương: “cô ơi, cô à”… Hạnh phúc càng được đong đầy thêm khi ngày nào bước chân vào lớp học trò cũng hỏi: “Cô ơi, hôm nay chúng em có được viết văn không ạ?”, “Khi nào thì chúng em được viết văn hả cô?”…

Với người giáo viên, đặc biệt là dạy bộ môn Văn – Tiếng Việt thì thật chẳng có niềm vui và hạnh phúc nào hơn thế! Còn nhớ tiết dạy văn của tôi về truyện cổ tích “Ba điều ước” ở lớp 3. Sau khi hướng dẫn các bạn tìm hiểu xong văn bản. Tôi hỏi các em: “Nếu có được 3 điều ước như chàng Rít em sẽ ước gì?”. Như những câu hỏi khác, các bạn đua nhau giơ tay.

Một bạn hóm hỉnh nói: “Em sẽ ước có một chiếc xe đua siêu hạng”. Các bạn nam khác rất tán thưởng.

Một bạn nữ lại thỏ thẻ: “Em thích có một cung điện cô ạ”. Tôi bảo: “Cô tin em sẽ là nàng công chúa rất đáng yêu ở trong cung điện đó”.

Có thêm nhiều cánh tay nữa giơ lên. Một bạn chia sẻ: “Em muốn vẽ một cây đàn đánh lên những giai điệu hoà bình”. “Chàng Thạch Sanh của chúng ta đây rồi” – tôi nhận xét.

Đến một bạn nữ rất dịu dàng: “Em ước bố mẹ em sẽ luôn khỏe mạnh sống mãi bên cạnh em”. Tôi nở nụ cười: “Em đúng là một người con hiếu thảo”.

Rồi một bạn nam mạnh mẽ và dứt khoát: “Em muốn trở thành bác sĩ chữa bệnh cho tất cả mọi người”. Tôi nói với em: “Cô tin rằng em sẽ trở thành một lương y được nhiều người yêu mến”.

Các em giơ tay nhiều hơn nữa. Những ước mơ của các em thật đẹp! Tôi nhìn các em và nói: “Cảm ơn các em, tất cả các em đều có tâm hồn thật lương thiện. Trong ước mơ của các em, có những ước mơ chỉ cần các em vươn đôi tay ra với sẽ trở thành sự thực. Có những ước mơ chưa thể thành sự thực nếu chúng ta ngừng cố gắng. Và có những ước mơ mang tên mơ ước… Nhưng những ước mơ ấy như những ngọn nến lung linh làm trái tim các em thêm ấm áp và dẫn lối cho các em đi tới tương lai!”

Bên cạnh những tiết học vui và tràn ngập tiếng cười như vậy cũng có những tiết học khiến cho cô trò chúng tôi phải rưng rưng vì xúc động. Còn nhớ tiết học văn hôm ấy, đề bài yêu cầu: “Em hãy viết bài văn kể về một buổi sum họp đầm ấm của gia đình em”. Các em có 5 phút để hồi tưởng về buổi sum họp đó và thêm 5 phút để “tập làm văn miệng”. Hết thời gian chuẩn bị, các em lần lượt chia sẻ về những bữa cơm gia đình vào ngày thường hoặc những dịp giỗ, tết, những câu chuyện của các thành viên vào mỗi buổi tối xoay quanh một bộ phim yêu thích. Giữa lúc ấy, một cánh tay giơ lên, đôi mắt em đỏ ngầu, giọng em thổn thức: “Thưa cô đã lâu lắm rồi gia đình em chưa có một bữa cơm sum họp và em cũng không thể nhớ cảm giác sum họp như thế nào”. Nói xong, em bối rối lấy tay che mặt để nước mắt không chảy ra, còn cô giáo là tôi lòng bỗng nặng trĩu xuống… Tôi thương và hiểu rằng cuộc sống vật lộn, mưu sinh của các bậc cha mẹ hằng ngày đôi khi phải đánh đổi bằng những phút giây tươi đẹp của tuổi thơ các em. Tôi càng ý thức được rằng mình cần làm điều gì đó bù đắp đi những khoảng trống ấy không gì khác là đem đến cho các em những tiết học thú vị, bổ ích để những năm tháng tuổi học trò dưới mái trường CGD là những năm tháng vui tươi, hồn nhiên và hạnh phúc nhất.

Những tiết dạy cứ như vậy trôi qua. Tôi biết rằng phía trước sẽ còn rất nhiều khó khăn và thử thách nhưng tôi tin mình sẽ nỗ lực vượt qua tất cả. Tôi thầm cảm ơn “duyên phận” đã đem đến cho tôi cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và thú vị, cảm ơn mái Trường Công nghệ giáo dục Hà Nội đã cho tôi những năm tháng thanh xuân với đầy cung bậc cảm xúc, cảm ơn những phụ huynh đã luôn tin tưởng, cảm ơn các em học sinh đã yêu mến và dành thật nhiều yêu thương cho tôi… Tôi cảm ơn vì tất cả!

                                                                                      Giáo viên Hạ Thu Trang