Các môn học và hoạt động giáo dục
Tiếng Việt CGD thành công là do học tiếng Việt học được phương pháp học, phương pháp tư duy ngôn ngữ. Ngay từ lớp một, bằng cách phân tích ngữ âm, tìm ra cấu trúc của Tiếng, mà trẻ học viết, học đọc tiếng Việt một cách khoa học, nắm vững luật chính tả và không thể tái mù.
Toán CGD cho trẻ được tiếp cận ngay với toán học hiện đại và phương pháp tư duy toán học đích thực.
Văn CGD hướng dẫn trẻ cảm thụ được cái hay, cái đẹp của tác phẩm và viết ra những rung cảm thực sự của mình, chứ không thuộc lòng tác phẩm và nhắc lại rung cảm của người khác một cách vô cảm.
Đất nước học CGD giáo dục lòng yêu nước, yêu gia đình, biết rõ nguồn cội, lịch sử, địa lý, văn hóa, môi trường nơi em ở và từ đó nhìn rộng ra dân tộc và thế giới. Tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc được hình thành dần trong trẻ. Tình yêu này không viển vông, trừu tượng, mà bắt nguồn từ tình yêu gia đình, yêu trường, yêu lớp, yêu thế giới nhỏ bé xung quanh em.
Giáo dục Nghệ thuật CGD hướng dẫn các em năng lực cảm thụ nghệ thuật thông qua các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh. Trẻ nhận thức được vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật và vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh. Trẻ có thể tham gia biểu diễn hay “sáng tạo” các “tác phẩm” nghệ thuật của riêng mình.
Giáo dục Lối sống CGD hình thành cho học sinh một lối sống có trách nhiệm và biết chia sẻ. Giáo dục Lối sống trên cơ sở lý thuyết mà hình thành kỹ năng sống. Trẻ được học cách cư xử chuẩn mực với người khác, với thế giới đồ vật, với môi trường tự nhiên và với bản thân mình.
Giáo dục Lối sống được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác. Nó là nhận thức đạo đức của trẻ được thể hiện ra ngoài bằng hành vi, cử chỉ, lời nói, nếp sống, sinh hoạt hằng ngày. Các em được học cách cư xử có văn hóa với ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Các em được học cách sống tiết kiệm vì môi trường bền vững.
Tiếng Anh CGD là môn ngoại ngữ, bắt đầu từ lớp hai. Mỗi ngày một tiết (40 phút). Học tiếng Anh, trẻ phát triển tư duy ngôn ngữ và thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng mẹ đẻ, và có thêm một công cụ giao tiếp trên phạm vi rộng. Việc Học một cách có ý thức, luyện cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Mỗi ngày học một tiết như mưa dầm thấm lâu, chưa kịp quên thì đã được nhắc lại, học thêm. Kết thúc bậc Tiểu học, bằng các kiến thức nền tảng về cấu tạo từ, cấu tạo câu và các kỹ năng giao tiếp tương ứng, trẻ có thể học được các môn học khác bằng tiếng Anh ở bậc Trung học .
Giáo dục Thể chất sẽ góp phần tạo ra các nhân cách khỏe mạnh, cân đối, tự tin, năng động. Giáo dục thể chất với các hoạt động theo đội, nhóm còn xây dựng tinh thần đồng đội, ý thức tổ chức, và giúp trẻ tránh xa các hoạt động xấu. Một lối sống lành mạnh với một chế độ vận động thân thể tích cực, thường xuyên và có hệ thống sẽ đưa vào thể dục, thể thao và tạo cơ hội cho trẻ được chơi một môn thể thao yêu thích.
Công nghệ thông tin được bắt đầu từ lớp hai. Trước hết học như mục đích, sau sẽ trở thành phương tiện dùng cho các môn học khác với kiến thức ngày càng lớn của xã hội hiện đại.
Tự học dưới sự hướng dẫn của thầy cô dần hình thành phương pháp tự học độc lập. Các em làm hết bài tập “về nhà” vào tiết tự học. Khi về nhà, trẻ lớp một, hai, ba không cần mang theo cặp sách. Số lượng bài tập về nhà sẽ không còn áp lực lên trẻ. Thứ Bảy, Chủ nhật trẻ mang cặp sách về nhà để “báo cáo” kết quả học tập với bố mẹ và ôn bài. Những lớp lớn (lớp bốn, lớp năm) hằng ngày chỉ còn một phần bài tập đem về nhà tự làm. Tiết tự học ở trường vừa giúp trẻ hình thành phương pháp tự học, không “kéo dài” giờ học trên lớp, tạo cơ hội cho trẻ về nhà được gần gũi cha mẹ, ông bà, để học cách yêu thương, có thời gian được trải nghiệm kỹ năng làm việc nhà. Hết bậc Tiểu học, các em được trang bị nền tảng tư duy khoa học, có kỹ năng ứng xử trong thực tiễn cuộc sống Việt Nam hiện đại, khả năng cảm thụ nghệ thuật và phương pháp tự học.
Đánh giá
Đánh giá kết quả giáo dục của nhà trường trong suốt quá trình học, để điều chỉnh cho phù hợp với học sinh cuối mỗi bài học, sau một học kỳ và cuối năm học, để thấy được sự tiến bộ của từng em so với chính em. Đánh giá công khai, công bằng, và toàn diện. Học sinh cũng được huấn luyện kỹ năng tự đánh giá và cùng tham gia vào quá trình đánh giá. Không chê bai, dè bửu học sinh.
Quan hệ thầy – trò
Quan hệ thầy – trò trong nhà trường thực hiện theo cơ chế phân công – hợp tác.
Quan hệ này được diễn đạt bằng công thức Thầy thiết kế – Trò thi công nhằm tạo ra sự trưởng thành và phát triển riêng của trò. Cơ chế này được hình thành thông qua việc làm: Thầy giao việc, làm mẫu – Trò làm theo mẫu của thầy.
Thầy còn phải làm mẫu ở cả cách đi đứng, nói năng, ăn mặc, chữ viết, thái độ…
Thầy cô công bằng và bình đẳng trước tất cả học sinh. Mọi học sinh đều được quan hệ trực tiếp với thầy cô và quan hệ trực tiếp với nhau. Học sinh được khuyến khích trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập.
Quan hệ cơ bản nhất giữa thầy và trò là quan hệ làm việc. Quan hệ như vậy sẽ tạo dựng cả một nề nếp làm việc của một công dân sau này.
Giáo dục ý thức kỷ luật, đạo đức người học thực chất là hệ quả của quan hệ làm việc. Làm việc như thế nào thì đạo đức, ý thức kèm theo như thế ấy. Làm đến nơi đến chốn thì ý thức kỷ luật cũng đến nơi đến chốn.
Mọi yêu cầu thầy cô đưa ra phải được thi hành thật nghiêm. Ngay từ đầu trẻ phải làm cho đúng. Nếu chưa đúng phải làm lại cho đúng mới thôi. Đúng là đúng từ việc làm, nghiêm là nghiêm trong việc làm, chứ không phải ở thái độ.
Trong nhà trường xưng hô cô (thầy) – em, bạn – tôi. Không cho phép giáo viên gọi trẻ là con, bởi dù chỉ là xưng hô cũng ảnh hưởng tới tính dân chủ của nhà trường, cũng như khả năng chủ động của học sinh trong trường.
Bằng cách làm đúng, nói đúng trong học tập, trẻ sẽ trở thành người đàng hoàng, không làm điêu, nói dối. Bằng cách đó, quan hệ thầy – trò được xây dựng ngay từ ngày đầu đến lớp. Thầy giúp trò làm được tức là tôn trọng trò.
Mỗi trẻ em ở trường Tiểu học CGD Hà Nội đều được tôn trọng như nhau và được tạo cơ hội phát triển hết khả năng của mình. Trường tạo điều kiện cho các em học hết sức, chứ không quá sức. Trò cần học hết sức mình nhưng không căng thẳng, không bị áp lực, vừa đủ để cho việc học trở nên thích thú, hấp dẫn.
Quan hệ với phụ huynh
Quan hệ giữa gia đình và nhà trường cũng được thực hiện theo cơ chế phân công – hợp tác, vì lợi ích cơ bản của trẻ em. Lấy lợi ích của trẻ em làm cơ sở, làm mục đích. Thầy cô giáo làm những việc mà chỉ có thầy cô giáo mới làm được. Cha mẹ chỉ làm những việc đặc trưng cho chức năng của riêng mình. Không ai “kéo dài” ai, không ai “lặp lại” ai. Trách nhiệm của thầy cô giáo đối với học sinh trong thời gian ở trường hoàn toàn tương xứng với trách nhiệm của cha mẹ trong thời gian trẻ ở nhà.
Kết quả học tập của học sinh ở trường là sản phẩm của nhà trường.
Cũng tương tự, những nét đặc trưng thể hiện một cách tự nhiên ở mỗi cử chỉ hành vi của trẻ là sản phẩm của giáo dục gia đình từ khi trẻ còn trứng nước, còn chưa đi học, không phải chỉ là sản phẩm hôm nay của giáo dục nhà trường.
Phụ huynh có quyền và trách nhiệm tham gia vào các hoạt động của nhà trường. Sự phối hợp này sẽ được nhà trường điều phối sao cho nhịp nhàng, không chồng chéo trách nhiệm, đạt được mục đích chung giáo dục trẻ. Gia đình cần hợp tác tích cực với nhà trường trong giáo dục lối sống cho trẻ.
Khả năng đáp ứng nhu cầu của phụ huynh
Cha mẹ thời hiện đại thường rất bận rộn, khả năng đón con về vào 4h30 chiều hằng ngày không phải lúc nào cũng thực hiện được. Trường nhận chăm sóc trẻ từ 4h30 đến 7h30 cho những gia đình có nhu cầu. Trẻ sẽ được hướng dẫn làm vệ sinh, ăn nhẹ, và tham gia các hoạt động ngoài giờ: Khiêu vũ, hip hop, thể dục nhịp điệu, võ thuật. Các giờ học sẽ được thay đổi linh hoạt sao cho trẻ có thể tham gia vào tất cả các lớp mà em yêu thích.
Một số câu lạc bộ ngoài giờ cũng được thực hiện vào ngày thứ Bảy hằng tuần nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động đa dạng của trẻ: nấu ăn, cắm hoa, diễn kịch, hát đồng ca, làm mặt nạ, cắt dán, nặn, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bơi, tiếng Anh, kể chuyện…