Tin giáo dục

Khuyến khích triển khai nhân rộng Tiếng Việt 1 CGD

Áp dụng cách dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục (TV1 CGD) đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc giảng dạy tiếng Việt cho HS lớp 1. Trong những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo và định hướng về việc dạy TV1 CGD. Xoay quanh vấn dề này, phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học.

Xin bà cho biết khó khăn và thuận lợi khi triển khai TV1 công nghệ giáo dục (TV1 CGD) tại các địa phương?
– Trước năm 1995, TV1 CGD đã được triển khai tại 43 tỉnh thành nên các địa phương đã biết đến Công nghệ giáo dục. Năm 2007, tài liệu được hoàn thiện và đã được Bộ GD&ĐT nghiệm thu. Năm học 2008 – 2009, Bộ GD&ĐT chỉ đạo đây là một trong 5 giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Năm học 2011 – 2012, chủ trương của Bộ dạy TV1 CNG để nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt. Trong quá trình triển khai dạy TV1 CNG các địa phương tự nguyện đăng ký tham gia, số lượng tăng dần, chỉ riêng năm học 2013 – 2014 tăng thêm 19 tỉnh. Các tỉnh đã tích cực, sát sao trong quản lý, chỉ đạo, giáo viên nhiệt tình, hào hứng khi tiếp thu và thực hiện dạy tài liệu.

Bộ GD&ĐT có chủ trương phù hợp với tình hình; chỉ đạo sát sao, cụ thể từ tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng có những khó khăn đó là, các cơ sở giáo dục phải chỉ đạo thêm một nội dung giảng dạy nữa. Bên cạnh đó, đội ngũ GV lúc đầu cũng có những lúng túng khi thây đổi nội dung, phương pháp giảng dạy.

Bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học

Vậy việc dạy TV1 CGD theo đã mang lại những hiệu quả gì?
– Dạy TV1 CGD tạo cho HS có cách học tích cực theo quan điểm “Thầy giao việc – trò thực hiện”. HS tự làm ra sản phẩm giáo dục trí tuệ nên rất hứng thú. Thực tế cho thấy chương trình phát huy được khả năng tư duy của học sinh, học sinh nắm chắc cấu tạo ngữ âm của tiếng nên đều đọc được và đọc tốt. Qua thời gian nghỉ hè không quên chữ, học sinh nắm chắc luật chính tả, có kĩ năng nghe để viết chính tả tốt. Đặc biệt đối với HS DT thì việc dạy TV1 CGD đã xóa được rào cản về ngôn ngữ và chất lượng môn TV có nhiều chuyển biến tích cực. Trong thiết kế ở 2 tuần đầu (tuần 0) học sinh được hướng dẫn kỹ các quy định nên các em có nền nếp học tập tốt ngay từ đầu năm học và được duy trì trong suốt năm học.

Với giáo viên tham gia dạy chương trình này thì kiến thức và năng lực của họ được nâng lên rõ rệt qua quá trình dạy học. GV nắm vững được phương pháp và dạy học theo hướng tích cực, hình thành cho học sinh kĩ năng tự học. Tiến trình giờ dạy cũng diễn ra nhẹ nhàng, dễ thực hiện.

Thực tế là giáo viên không phải soạn bài nên có thời gian nghiên cứu thiết kế bài dạy và quy trình dạy các mẫu. Sau những bài đầu còn vướng mắc, đa số giáo viên đã hiểu bản chất của chương trình và kĩ thuật dạy học, nắm chắc quy trình của từng mẫu vần nên việc giảng dạy rất thuận lợi. Đến cuối năm, các giáo viên dạy lớp 1 đã hiểu bản chất của chương trình Công nghệ giáo dục nên vận dụng vào dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo.


Dạy TV1 CGD mang lại những hiệu quả cho Học sinh

Vậy cho đến nay bao nhiêu địa phương đã áp dụng TV1 CGD có kết quả tốt?
– Năm học 2012- 2013 có 19 tỉnh thành tham gia và cuối năm chất lượng giảng dạy môn TV1 đều được nâng cao. Tiêu biểu là các tỉnh như Nam Định, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hải Dương… Kết quả, số HSG của tỉnh Nam Định là 75,2%. Hải Dương là 70,7%; Tỷ lệ HS yếu môn TV giảm đáng kể. Ở Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình, Nam Định còn 1,5%… Một số tỉnh đã mạnh dạn triển khai toàn tỉnh như Lào Cai.

Đến năm học 2013 – 2014 đã có 37 tỉnh đăng ký tham gia triển khai dạy TV1 CGD. Những tỉnh triển khai tốt và đạt hiệu quả cao thì công tác quản lý và chỉ đạo ở các địa phương này luôn được đặc biệt quan tâm. Việc tổ chức hội thảo về các chuyên đề dạy học TV1 CGD đã giúp cho các nhà trường đặc biệt là các GV nắm chắc được phương pháp giảng dạy và điều chỉnh được những vướng mắc trong quá trình dạy học.

Xin bà cho biết quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc tiếp tục triển khai và nhân rộng TV1 CGD trong thời gian tới?
– Chương trình TV1-CGD đã đáp ứng được việc nâng cao chất lượng dạy học TV cho HS tiểu học. Quan điểm chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT: Dạy học TV1-CGD là một trong các giải pháp tăng cường Tiếng Việt hiệu quả và được thực hiện theo kế hoạch từng năm học. Bởi vậy Bộ GD&ĐT khuyến khích các địa phương tự nguyện áp dụng giải pháp dạy học này. Thực tế Bộ đã có những hỗ trợ trong quá trình hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện dạy TV1 CGD này cũng có những khó khăn nhất định vì vậy các tỉnh cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương tới phụ huynh, tới các cấp quản lý Đảng và Chính quyền địa phương… đặc biệt là tuyên truyền bằng thực chất kết quả triển khai.

Quan điểm chỉ đạo cũng đã được cụ thể hóa cả đối với 2 dự án. Đó là với các trường thuộc dự án mô hình trường học mới (VNEN) nên dạy học TV 1 CGD. Còn với Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (Seqap) thì nhân viên hỗ trợ chỉ là giải pháp tạm thời việc dạy TV1 CGD mới là căn bản.

Trong năm học 2013 – 2014, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo mạnh mẽ hơn, khuyến nghị các trường nên dạy TV1 CGD. Vì vậy chúng ta cần phải củng cố vững chắc kết quả ở các tỉnh đã triển khai và khởi đầu chắc chắn ở các tỉnh bắt đầu triển khai. Các tỉnh triển khai phải nắm chắc công tác chỉ đạo.

Các sở GD&ĐT cần rà soát lại các đối tượng cán bộ quản lý, hiệu trưởng, hiệu phó, các cán bộ cốt cán. Các đối tượng này thực sự phải có năng lực, trình độ, tâm huyết có trách nhiệm để có thể đảm đương được công việc trong giai đoạn mới. Đối với các tỉnh mới tham gia cần phải tiếp thu và cập nhật kịp thời các tài liệu hướng dẫn để có thể triển khai tốt. Việc tập huấn giữa các nhà trường phải thường xuyên để cùng nâng cao trình độ sáng tạo trong công tác triển khai.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Minh Châu (thực hiện)