Tin hoạt động

Học sinh tiểu học bán “hàng handmade” làm từ thiện: Học cách cho đi

Thay vì kêu gọi học sinh đóng tiền để ủng hộ người nghèo như cách làm của nhiều nơi, trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội đã mở hội chợ bán “hàng handmade” do chính học sinh và phụ huynh tự làm và những đồ dùng cũ để gây quỹ từ thiện “Bàn tay nhỏ” của trường và các học sinh.

Sáng 28/5, cái nắng oi bức của mùa Hè hầm hập ập xuống sân trường nhưng điều đó không làm cho phiên chợ đặc biệt này bớt phần náo nhiệt.

Mỗi lớp được đăng ký một gian với nhiều mặt hàng được bày bán rất phong phú. Đó là những chậu hoa nhỏ được trồng trong vỏ chai nhựa, những chiếc cốc thuỷ tinh đã được các em khéo léo vẽ sơn thành lọ hoa xinh xắn, những tấm thiệp nho nhỏ, những bức tranh tự vẽ ngộ nghĩnh, những chiếc đồng hồ bằng giấy màu giản đơn…

vnp gio hoa
Giỏ hoa tự chế từ vỏ chai nhựa của các em học sinh. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Các phụ huynh cũng bỏ ra hàng tuần lễ để phụ giúp các con làm phong phú mặt hàng với những món chè thạch, nước ép, những chiếc cặp hay bờm tóc tự làm xinh xinh.

Những cuốn sách, truyện, đồ chơi, đồ dùng học tập cũ cũng thu hút được rất nhiều khách tham quan.

Tại gian hàng của lớp 2A1 được đặt ngay gần cổng trường, em Đào Đức Duy cùng các bạn và các phụ huynh không ngơi tay phục vụ khách mua đồ nhưng miệng vẫn liến thoắng chào mời bất cứ ai vừa ghé đến.

vnp ban hang
Các em bận rộn với gian hàng nhỏ của mình. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Mở chiếc túi đeo ngang hông, cậu học trò nhỏ cười tít mắt khoe: “Cháu bán được nhiều lắm, kiếm được rất nhiều tiền, sẽ mua được nhiều đồ để ủng hộ cho các bạn học sinh miền núi khó khăn.”

Cậu bạn cùng lớp Nguyễn Hồ Duy An cũng hớn hở giới thiệu: “Những cái này chúng cháu tự làm. Hàng bán để quyên góp ủng hộ cho người nghèo. Bán được nhiều nên chúng cháu vui lắm.”

Cũng theo Duy An, những bạn khác trong lớp đã chia nhau đi phát tờ rơi và chào mời các mặt hàng của lớp.

[Có những đổi mới giáo dục không cần tiền, không cần đề án]

Nhìn cậu con trai đang tất bật với khách, mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt nhưng miệng cười không ngớt, chị Hồ Hoàng Lan, mẹ bé Duy An không giấu được niềm hạnh phúc hân hoan.

Chị bảo, cậu con trai nhỏ của mình rất háo hức cho ngày hội chợ cuối năm học này. Con trăn trở suy nghĩ xem nên bán gì, nên làm sản phẩm gì, làm như thế nào, cần vật liệu gì.

vnp dem tien
Và chăm chú đếm từng đồng tiền nhỏ vừa kiếm được để góp quỹ “Bàn tay nhỏ.” (Ảnh: PM/Vietnam+)

“Hôm nay như một buổi học ngoại khoá tại trường, một lớp học kỹ năng sống thiết thực và giá trị. Con học cách giao tiếp, học cách bán hàng, cách kinh doanh. Ở một mức độ nhất định, con đã cảm nhận được sự vất vả, niềm vui trong lao động và giá trị của đồng tiền. Những gì con ủng hộ cho các bạn học sinh nghèo là từ chính công sức lao động của con chứ không phải là ngửa tay xin bố mẹ. Điều đó có ý nghĩa rất sâu sắc vì nó thực sự là tấm lòng của các con,” chị Lan xúc động nói.

Đây cũng là điều mà chị Nguyễn Hoài Thu (ở Royal City) rất tâm đắc. Chị Thu cho biết, để tham gia hội chợ cùng con, chị cùng các phụ huynh khác mất 10 ngày chuẩn bị, nhưng ai cũng nhiệt tình ủng hộ.

“Nếu nhà trường kêu gọi các con làm từ thiện đơn giản bằng cách đóng tiền sẽ nhàn hơn cho phụ huynh, cho cả học sinh và cả thầy cô. Nhưng không phải tham gia lao động để kiếm tiền, dù chỉ trong quy mô hội chợ nhỏ ở trường, con sẽ không có sự đồng cảm, không biết giá trị thực sự của việc làm từ thiện, không có tình cảm khi cho đi. Nếu chỉ xin tiền bố mẹ, con có thể sẽ nghĩ làm tự thiện đơn giản là đi xin ở đâu đó chứ không phải từ những việc làm rất nhỏ, từ công sức của chính mình.”

vnp tranh
Bức tranh Hoa hướng dương do 370 học sinh của trường góp sức đã được bán đấu giá để gây quỹ từ thiện. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Theo chị Thu, tham gia hoạt động này, không chỉ con đã cho đi mà chính các con cũng nhận được rất nhiều. Đó là các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, sự sáng tạo, niềm vui và lòng nhân ái.

Cũng trong sáng nay, bức tranh “Hoa hướng dương” khổ lớn (1,7m x 2,7m), do toàn thể 370 em học sinh nhà trường cùng chung tay thể hiện trên chất liệu giấy toan và sử dụng sơn Acrylic cũng đã được bán đấu giá thành công với giá 22 triệu đồng. Số tiền này sẽ được bổ sung cho quỹ từ thiện “Bàn tay nhỏ”.

“Tất cả đều có sự đóng góp công sức của các học sinh và đó mới là điều đáng trân trọng nhất của việc làm từ thiện. Chúng tôi đã chọn cách vất vả hơn việc đơn giản là huy động tiền, nhưng đổi lại, các con đã có một buổi học cuối cùng của năm đầy hứng khởi và ý nghĩa,” cô Hiệu trưởng Trương Thị Cẩm Tú nói./.